Chuyện thứ nhất xảy ra với con của người bạn. Cháu bị bạn bè đánh trong toilet,ếucontôibịbạnđábet 68 bị bắt ăn gỉ mũi của người khác. Chuyện thứ hai là video các bé gái đồng tấn công bạn mình ngay tại lớp học, và tôi được gửi vì đó là trường cũ nơi vợ tôi công tác.
Tôi trấn an các bên "chắc không sao đâu, từ từ bình tĩnh giải quyết, chuyện này xưa nay vẫn vậy, khác chăng là có mạng xã hội nên mình biết nhanh và biết nhiều hơn thôi".
Trấn an là vậy, nhưng tôi cũng không khỏi bất an khi tự hỏi "nếu đây là con mình, mình sẽ giải quyết thế nào". Không có câu trả lời, thực ra là không có câu trả lời thuyết phục được bản thân. Thượng tôn pháp luật làm theo từng bước? Hay làm lớn chuyện lên theo bản năng để giải quyết theo lẽ mình cho là đúng? Vậy mình sẽ làm gì nếu các phụ huynh khác không hợp tác mà cũng chăm chăm bênh con họ? Làm sao để biết 100% sự thật, những gì con mình kể có thật sự chính xác chưa? Và quan trọng là làm thế nào giải quyết rốt ráo để con mình nói riêng và những bé bị bạo hành khác thật sự an toàn về sau? Có quá nhiều câu hỏi. Và, mặc dù tự nhận mình là người có tri thức, tôi cũng không yên lòng với những câu hỏi không được trả lời như thế này.
Bất giác nghĩ đến hàng triệu cha mẹ khác, chắc cũng giống tôi: bối rối, hoang mang và tự mình đi tìm giải pháp. Có quá nhiều đối trọng liên quan đến chỉ một vụ bạo hành: người bị bạo hành, (các) bạn bạo hành, các bạn chứng kiến, cha mẹ của các bên, thầy cô giáo và trường học. Đôi khi, vì quá nôn nóng để giải quyết xong vấn đề theo ý muốn chủ quan của mình, cộng với niềm thương con, các bậc cha mẹ sẽ rất dễ dàng rơi vào bẫy không làm đúng pháp luật. Hơn nữa, chỉ cần một trong các bên còn lại không làm đúng làm đủ điều mình cần làm trong bất cứ lần bạo hành nào, có lẽ hậu quả sẽ rất khủng khiếp và lâu dài.
Cũng có người sẽ chỉ tặc lưỡi kiểu "con nít đánh nhau là chuyện hàng ngày đó mà, sao phải nghiêm trọng hóa vấn đề đến vậy?".
Tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn khoa học, bà Louise Aukland - chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh, Đại học Oxford, Anh - đã chia sẻ một nghiên cứu của UNESCO năm 2023 tại Tọa đàm Trường học Hạnh phúc tổ chức trong tháng 10 ở Hà Nội. Theo đó, cứ ba học sinh thì có một em bị bạo hành tại trường học hàng tháng. Một con số quá lớn. Và càng khủng khiếp hơn nữa khi cũng trong nghiên cứu này, có đến 20% thanh thiếu niên toàn cầu đang đối diện với vấn đề rối loạn tâm thần. Thay vì đến trường đế tận hưởng niềm vui bạn bè và kiến thức mới, có đến một trong năm thanh thiếu niên đối diện với việc không muốn đến trường từ những vấn đề mà người lớn có thể cho là "chuyện thường ngày" này.
Sẽ không bao giờ là quá muộn để bắt tay vào giải quyết vấn đề. Và, như tôi đã chia sẻ, vấn nạn bạo hành trong trường học có thể liên đới nhiều đối tượng nên cần có một bộ quy tắc ứng xử chung cũng như những hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng: người bị bạo hành, phụ huynh của người bị bạo hành, phụ huynh của bên bạo hành, các nhân chứng, thầy cô trực tiếp của các bên, và nhà trường.
Có bộ ứng xử đó, ít nhất chúng ta sẽ không gặp những trường hợp như tôi đã chứng kiến: phụ huynh hai bên đôi co vì ai cũng nghĩ con mình đúng, thầy cô vì không chứng kiến nên không bắt mình phải can thiệp (nhưng tôi chắc là họ cũng không biết nên can thiệp thế nào cho đúng), nhà trường không kịp thời nắm bắt thông tin nên phụ huynh phía bị bạo hành có cảm giác bị bỏ rơi...
Kiến thức quan trọng, tuy nhiên sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi một phần ba học sinh đến trường với nỗi lo bị bạo hành còn lớn hơn sự háo hức học tập.
Trần Hùng Thiện